Tôi hai lần đi Vũng Tàu bằng cách xuất phát từ trung tâm TP HCM, qua Nhà Bè, đợi phà Bình Khánh để sang Cần Giờ. Sau đó đi hết đường xuyên rừng Sác tới thị trấn Cần Thạnh.
Từ đây, tôi đi phà biển để sang Vũng Tàu. Quãng đường biển chỉ khoảng 15 km.
Thế nhưng, khi tìm trên bản đồ Google Maps, nếu bạn muốn đi từ Cần Thạnh (Cần Giờ) đến Vũng Tàu bằng đường bộ, bạn sẽ nhận được một cung đường vòng hình cung tốn hơn 3 giờ đồng hồ lái xe, khoảng 120 km.
Sự bất tiện về hạ tầng, cộng thêm đặc điểm địa hình đặc thù, dường như đã khoác lên Cần Giờ một chiếc áo cách biệt với phần còn lại của vùng kinh tế năng động phía Nam. Có vẻ đó là "lời nguyền địa lý".
Cần Giờ nằm ở vị trí đặc biệt, nơi cửa ngõ ra biển Đông, tiếp giáp với Vũng Tàu nhưng bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch chằng chịt. Trong khi Vũng Tàu đã từ lâu trở thành một thành phố biển sôi động, điểm đến quen thuộc của hàng triệu du khách mỗi năm, thì Cần Giờ vẫn lặng lẽ với cát đen, bãi biển phù sa, và những tiềm năng chưa được đánh thức trọn vẹn.
>> 'Nên đổi tên phường Cát Lái thành Các Lái'
Dù chỉ cách Vũng Tàu 15 km đường chim bay, nhưng một trời một vực là cảm nhận của nhiều người.
Việc TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cùng về "chung một nhà" trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam càng khiến bài toán kết nối trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Cây cầu vượt biển nối Cần Giờ với Vũng Tàu - nếu được nghiên cứu đầu tư đúng tầm - không chỉ là một công trình giao thông, mà còn là một cú hích mở ra không gian phát triển cho khu vực Cần Giờ, xóa bỏ sự chia cắt tự nhiên hàng chục năm qua.
Thử tưởng tượng: nếu từ trung tâm TP HCM hiện tại có thể đi thẳng qua Cần Giờ băng qua cây cầu vượt biển là đến thẳng Vũng Tàu trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ.
Với hạ tầng giao thông mới, Cần Giờ hoàn toàn có thể phát triển mô hình du lịch sinh thái cao cấp, đô thị thông minh ven biển, thậm chí là khu kinh tế biển điều mà hiện nay vẫn còn là giấc mơ dang dở.
Để làm được điều đó, cần có cái nhìn tổng thể, bài bản và kiên trì. Việc đầu tiên và căn cơ là xây cầu Cần Giờ thay thế cho phà Bình Khánh. Cầu vượt biển nối sang Vũng Tàu sẽ là bước tiếp theo, mở ra trục kết nối ven biển phía Nam.
Nhiều người lo ngại rằng, nếu hạ tầng phát triển quá nhanh sẽ làm tổn hại đến rừng ngập mặn, hệ sinh thái đặc trưng của vùng đất này. Đó là mối lo hoàn toàn chính đáng.
Nhưng chính vì thế, cần phát triển có kiểm soát, quy hoạch nghiêm ngặt, chọn mô hình phù hợp với vùng sinh thái thay vì cấm đoán hoặc chần chừ mãi không quyết. Bởi nếu không có hạ tầng kết nối, Cần Giờ sẽ mãi ở thế yếu, mãi nhìn Vũng Tàu sầm uất từ phía bên kia bờ mà không thể vươn mình.
Hải Long