Nghị định 89/2025 sửa đổi, bổ sung Nghị định 92/2016 quy định các chủng loại máy bay nhập khẩu vào Việt Nam phải được một trong các tổ chức như Nhà chức trách Hàng không Mỹ (FAA), Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA), nhà chức trách hàng không Brazil, Canada, Nga, Vương quốc Anh, Trung Quốc hoặc Bộ Xây dựng cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận.
Trước đây Nghị định số 92 quy định các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam với phạm vi hẹp hơn, như được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc Nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp Chứng chỉ loại tàu bay.
Theo Bộ Xây dựng, việc giới hạn các tàu bay khai thác tại Việt Nam sẽ làm hạn chế cơ hội của hãng hàng không trong việc tiếp cận các loại tàu bay được thiết kế, chế tạo bởi nhiều quốc gia khác. Việc sửa quy định sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hàng không Việt Nam chủ động nguồn cung trong bối cảnh thiếu hụt tàu bay, mở ra cơ hội phát triển mới cho hàng không Việt Nam.
Tàu bay ARJ21 tại sân bay Côn Đảo hồi tháng 3/2024. Ảnh: Comac
Cuối năm 2024, Vietjet Air đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) thuê hai máy bay ARJ21 của hãng Comac (Trung Quốc), dự kiến khai thác chặng Hà Nội/TP HCM - Côn Đảo trong tháng 5 tới.
Đầu năm nay, Cục Hàng không Việt Nam làm việc với Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) và Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) để tìm hiểu về kỹ thuật, khai thác, bảo dưỡng, tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và quy trình cấp giấy chứng nhận máy bay ARJ21-700 (C909). Loại máy bay này đã được CAAC cấp giấy Chứng nhận loại vào năm 2014.
Cục Hàng không Việt Nam nhận thấy hệ thống cấp chứng nhận tàu bay của CAAC có một số khác biệt nhỏ so với tiêu chuẩn của Việt Nam, chủ yếu liên quan đến việc sử dụng tiếng Trung Quốc trên nhãn mác tàu bay.