ThS.BS Nguyễn Tân Cương, Phó khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thận và niệu quản của ông Kiên có rất nhiều sỏi, trong đó một viên sỏi niệu quản đường kính 6 mm gây ứ nước thận, vài viên sỏi 6-8 mm trong các đài thận.
Niệu quản của người bệnh bị xơ hẹp hai vị trí, gồm đoạn chậu gần bàng quang và đoạn gần khúc nối bể thận - niệu quản. Bác sĩ không thể thực hiện phẫu thuật "2 trong 1" vừa xử lý hẹp niệu quản, vừa lấy sỏi bởi nguy cơ làm tổn thương thêm niệu quản. Êkíp quyết định đặt ống thông JJ giải quyết tắc nghẽn trước, sau đó nội soi tán sỏi.
Hơn một tháng sau, niệu quản của ông Kiên giãn đủ rộng để thực hiện nội soi tán sỏi bằng ống mềm. Bác sĩ đưa một ống soi mềm khoảng 2-3 mm từ niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài) vào bàng quang, sau đó đi qua lỗ niệu quản lên trên thận. Ống soi kết nối với camera, giúp bác sĩ quan sát rõ cấu trúc trong thận và sỏi ở các đài thận. Các bác sĩ sử dụng tia laser có cường độ cao phá vỡ sỏi thành các mảnh nhỏ li ti, sau đó loại bỏ chúng ra ngoài theo đường tự nhiên.
Sau phẫu thuật, ông Kiên hồi phục nhanh chóng, thận giảm ứ nước, được xuất viện hôm sau.
Bác sĩ Cương (phải) và BS.CKI Phan Trường Nam nội soi tán sỏi ngược dòng bằng ống mềm cho ông Kiên. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hẹp niệu quản có thể khiến sỏi bị kẹt lại, gây tắc nghẽn lưu thông nước tiểu. Nếu không được điều trị kịp thời, thận bị ứ nước lâu ngày gây ra các biến chứng nguy hiểm như ảnh hưởng chức năng thận, lâu dài dẫn đến suy thận hoặc nhiễm trùng.
Hiện có các phương pháp điều trị sỏi thận như tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi, tán sỏi qua da, phẫu thuật nội soi lấy sỏi. Tùy vào vị trí, kích thước, tính chất của sỏi và tình trạng người bệnh, bác sĩ chỉ định phương pháp tán sỏi phù hợp nhất.
Để phòng ngừa sỏi thận, mọi người cần uống đủ nước, hạn chế ăn mặn hoặc các thực phẩm giàu oxalat, thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật, tăng cường rau xanh và trái cây giúp bổ sung vitamin cùng khoáng chất. Duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên để giảm nguy cơ mắc bệnh. Tuân thủ lịch khám sức khỏe định kỳ mỗi 6-12 tháng một lần để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh sớm.
Hà Thanh
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận - tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp